Sáng 22/7, cá chết nổi trắng mặt hồ điều tiết Hòa Phú, còn gọi là hồ Liên Chiểu, thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, công nhân phải chèo thuyền ra vớt.
Hồ Hòa Phú nối liền với kênh Đa Cô, thu gom nước thải từ bãi rác Khánh Sơn, khu dân cư Lê Trọng Tấn, kênh Hòa Mỹ về trạm xử lý, trước khi chảy ra vịnh Đà Nẵng.
Đoạn kênh Đa Cô cá chết nằm xếp lớp, dạt về trước cống giao giữa đường Nguyễn Chơn và Trần Triệu Luật.
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng huy động gần 50 công nhân Trạm Phú Lộc có mặt từ 6h sáng để thu gom cá chết. Đến 9h, khu vực này vẫn ken đặc xác cá.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Giôn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường nước thải, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết cá chết lác đác từ chiều 21/7, đến sáng nay thì nổi trắng kênh Đa Cô dài gần 5 km và hồ Hòa Phú.
Riêng tại kênh Đa Cô, công nhân đã thu gom đầy thùng xe trọng tải 2 tấn, nhưng mới được một nửa số cá chết trên kênh.
Do cá chết nhiều, kênh có bờ kè dốc, công nhân phải xếp thành hàng để đưa lên bờ. Nước kênh Đa Cô đen ngòm, bốc mùi hôi. Theo người dân, trước đây dù chứa nước thải, dòng kênh cũng không đen như vậy.
Cá chết nặng 0,4-1 kg, nhiều con bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối.
Công nhân cũng có mặt xung quanh hồ, dùng vợt chế từ các lồng quạt để xúc được nhiều xác cá đưa lên bờ tập kết.
Ông Huỳnh Trung Nhân, Phó giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết đã huy động thêm nhân lực từ các trạm xử lý khác để nhanh chóng thu gom hết số cá chết. Dự kiến cuối chiều nay, toàn bộ cá chết sẽ được đưa lên bờ, ước lượng 10 tấn.
Đà Nẵng đang nắng nhẹ, nhưng đứng gió nên mặt hồ không có sóng, cá chết không dạt về một hướng mà rải rác xung quanh hồ. Công nhân đeo khẩu trang kín, làm việc cật lực để nhanh chóng thu gom hết cá chết.
Đến gần trưa, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải huy động vôi bột để rải xen kẽ với các lớp cá chết, sau đó đưa lên bãi rác Khánh Sơn xử lý.
Tháng 9/2023, kênh Đa Cô và hồ Liên Chiểu cũng xuất hiện cá chết sau cơn mưa trái mùa, với khoảng 13 tấn cá được vớt lên. Cơ quan chức năng xác định nước thải, nước mưa và bùn xả trực tiếp vào mương hồ cộng với thời tiết nắng sau mưa làm thay đổi môi trường, gây thiếu hụt oxy hòa tan trong nước. Trong khi đó, mật độ cá rô phi tại chuỗi kênh Đa Cô – hồ Hòa Phú lớn nên dẫn đến tình trạng chết hàng loạt.
Để hạn chế mùi hôi bay ra khu dân cư, công nhân môi trường dùng vôi pha loãng tạt xuống kênh, hồ. Việc xử lý vôi và hóa chất dự kiến diễn ra trong một tuần để hạn chế tối đa tình trạng cá chết.
Ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã cử nhân viên lên khu vực đầu nguồn kênh Đa Cô, đoạn dưới chân bãi rác Khánh Sơn để lấy mẫu nước phân tích, đánh giá chất lượng đầu ra.
Những lần trước cá chết ở kênh Đa Cô và hồ điều tiết Liên Chiểu đa số xuất hiện sau những đợt mưa trái mùa, còn lần này Đà Nẵng đã mưa nhiều trận trong khoảng 2 tuần trở lại đây nên cần “làm chặt chẽ để tìm ra nguyên nhân cá chết”.