Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa được đầu tư giai đoạn một với tổng vốn 6.400 tỷ đồng, công suất đốt rác 2.000-2.600 tấn, phát điện 60 MW/ngày giúp giảm ô nhiễm ở thành phố.
Nhà máy xây tại huyện Củ Chi, khởi công ngày 20/7, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Công trình do Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy làm chủ đầu tư sau khi họ mua lại Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa – chủ dự án trước đây.
Giai đoạn đầu, công trình gồm một tổ hợp các hạng mục như: lò đốt phát điện rác, nhà điều hành, khu vực nhà ăn, nghỉ của nhân viên… Nhà máy áp dụng công nghệ được đánh giá hiện đại, rác sau khi đốt sẽ giảm phần lớn thể tích và khối lượng. Nhiệt lượng tạo ra từ quá trình đốt sẽ trở thành điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Lượng tro xỉ còn lại sau khi đốt rác cũng có thể sản xuất làm vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, chủ đầu tư cho biết lượng nước thải phát sinh trong quá trình nhà máy vận hành sẽ được thu gom, xử lý khép kín và tái sử dụng để làm mát hệ thống máy móc phía trong. Khí thải và tro tàn sản sinh trong quá trình đốt rác cũng được xử lý, không gây mùi hôi, ô nhiễm không khí.
Trong các giai đoạn sau, nhà máy lần lượt nâng công suất đốt rác lên 6.000 và 8.600 tấn mỗi ngày, tương ứng với mức phát điện 130 và 200 MW.
Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa được TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước, cùng với một công trình đốt rác phát điện khác do Công ty Vietstar thực hiện. Tuy nhiên, do vướng thủ tục nên đến nay chỉ nhà máy Tâm Sinh Nghĩa xây dựng. Riêng dự án của Công ty Vietstar, doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ liên quan thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, thiết kế kỹ thuật… để được cấp phép xây dựng.
Ngoài các công trình trên, ở địa bàn còn hai dự án xử lý rác bằng năng lượng sét nhân tạo và tái chế chất thải rắn, tổng vốn hơn 13.000 tỷ đồng, bị xem xét thu hồi do chậm triển khai.
Hiện mỗi ngày TP HCM phát sinh 9.800 tấn rác thải sinh hoạt, cao điểm lễ, Tết con số này lên đến 11.000 tấn. Trong đó, phần lớn rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, đến năm 2025 thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt thông qua công nghệ đốt rác phát điện đạt ít nhất 80% và tăng lên 100% vào năm 2030.